PHONG TỤC TẾT XƯA VÀ CẢM NHẬN CỦA GIỚI TRẺ HÔM NAY

Các phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên Đán hiện nay đang dần được thay thế bằng những hoạt động mới của đời sống xã hội. Tuy nhiên còn rất nhiều gia đình, nhiều người vẫn luôn trân trọng, thực hiện các phong tục như cách để gìn giữ những tinh hoa của cội nguồn văn hóa của dân tộc.

Khai bút

Là một trong những phong tục đẹp và nhiều ý nghĩa của văn hóa Việt Nam, nhất là đối với những người theo nghiệp viết lách. Viết, không chỉ để giãi bày cảm xúc, không chỉ để bộc bạch nỗi lòng, tìm kiếm niềm đồng điệu. Viết còn là cách để mọi người thể hiện sự khởi đầu công việc của mình trong một năm. Ngòi bút lúc này gắn với công việc, trách nhiệm cùng sự vững vàng, bản lĩnh trước những biến chuyển của thời cuộc, của đất nước.

Bữa cơm tất niên

Ngày nay, ở một số làng quê người dân vẫn giữ tục lệ mời nhau bữa cơm tất niên để tiễn năm cũ. Bữa cơm như sợi dây vô hình gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm, tình cảm anh em, họ hàng… Nói là bữa cơm tất niên nhưng tùy tình hình mà gia chủ có thể tổ chức vào chiều 29, trưa 30 hoặc chiều 30 tết. Khách mời là những gia đình ở gần nhau, có thể là anh em, họ hàng, có thể là hàng xóm. Ở các làng quê, nhà nào cũng làm cơm cúng tất niên nhưng không phải ai cũng có điều kiện mời khách. Tục lệ này thường được tổ chức ở những gia đình có kinh tế khá giả; những gia đình có người đi làm ăn xa về quê ăn tết; hoặc cũng có thể là những gia đình mới có chuyện vui… Bữa cơm được sửa soạn tươm tất với đầy đủ các món ăn ngày tết như thịt gà, thịt bò, thịt nấu đông, bánh chưng, giò chả, có khi có thêm cỗ lòng của con lợn mới thịt… Sự chuẩn bị của gia chủ như một lời cảm tạ thân tình đối với tình nghĩa anh em, láng giềng đã dành cho nhau trong suốt một năm qua. Bên mâm cơm, chén rượu, họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm và nói với nhau về những dự định, những ước vọng của năm mới; hoặc cũng có thể giãi bày với nhau những khúc mắc, hiểu lầm trong cuộc sống rồi chúc nhau chén rượu giảng hòa.

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một tục lệ đã từng mai một, nay xuất hiện khá đậm nét trong đời sống của người dân Việt Nam như cách để họ gửi gắm niềm tin yêu, hy vọng… Đã thành thông lệ, chiều 30 tết năm nào, các bà, các mẹ cũng thường rủ nhau đi mua vôi. Vôi có 2 loại. Vôi bột và vôi tôi. Người ta có thể mua vôi về để quét lại cái cổng, cái hàng rào, cũng có thể dùng để rắc xua đuổi sâu bọ trên những luống rau mới bén. Ngụ ý sâu xa của việc này chính là muốn xua đi những điều đen đủi của năm cũ, thay vào đó là những ngày mới thật tươi sáng… Còn vôi tôi thường để cho vào bình vôi ăn trầu với ngụ ý không để bình vôi bị rỗng ruột trong năm mới.

Xưa kia, người ta nghỉ tết mấy ngày mới có chợ nên độ mùng 5, mùng 6, khi các chợ mở bán, người ta mới lục tục đi mua muối. Các cụ già kể lại, xưa mua muối thường đong bằng bát, người bán phải vun cho bát muối có ngọn thật cao người mua mới hài lòng. Có khi còn được nhận tiền mừng tuổi. Ngày nay, bắt kịp xu thế của người dân, rất nhiều tiểu thương đã bày hàng muối để bán ngay từ sáng mùng 1 tết. Thay vì đong bằng bát, họ gói muối gọn gàng vào túi ni-lông hoặc cầu kỳ hơn thì cho vào túi vải màu đỏ như muốn gửi gắm thông điệp may mắn cho người mua. Người Việt coi muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái. Trong quan niệm tâm linh, muối còn có tác dụng xua đuổi tà khí, ma quỷ, mang lại may mắn cho gia chủ. Ngày đầu năm, sau khi mua muối về, người ta thường hay chia thành nhiều túi nhỏ, đặt ở những vị trí đặc biệt trong nhà. Một phần khác được rắc ngoài ngõ như để bảo vệ sự may mắn của gia đình.

Trao lì xì - chúc nhau năm mới tốt lành

Lì xì năm mới là một mỹ tục phổ biến rộng rãi nhất trong văn hóa Việt. Tuy có nhiều hình thức khác nhau nhưng việc lì xì đều nhằm gửi trao cho nhau những điều tốt lành. Lì xì thường được thực hiện đầu tiên trong gia đình sau phút giao thừa. Ngay trong thời khắc đầu tiên của năm mới, con cháu đã trưởng thành sẽ thực hiện nghi lễ mừng tuổi bố mẹ, ông bà. Ngược lại, ông bà, bố mẹ cũng lì xì cho con, cháu với nhiều lời dặn dò, gửi gắm. Sau đó, trong những ngày du xuân, người ta sẽ lì xì cho những người có quan hệ thân thiết, có thể là ông bà, bố mẹ, con cái của bạn, có thể là bạn của bố mẹ, con cái mình, cũng có thể là bạn bè với nhau v.v…

Niềm vui của người trao và nhận bao lì xì

Những phong bao lì xì đỏ thắm, xinh xắn ẩn chứa những tình cảm tốt đẹp với lời chúc hạnh phúc và may mắn đầu năm. Không chỉ lì xì bằng phong bao, ở nhiều nơi, người ta còn lì xì nhau bằng những hình thức khác. Có thể là gói bánh, quả cam của người hàng xóm dành cho các cụ cao tuổi, có thể là một con tò he đầy sắc màu dành cho trẻ em như một lời chào năm mới rực rỡ… Vì ý nghĩa tốt đẹp đó nên không ai quan tâm giá trị của những phong bao lì xì. Cả người trao và người nhận đều cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong những ngày đầu năm mới.

Trong dòng chảy hội nhập mạnh mẽ hiện nay nhưng một số các bạn trẻ đang có xu hướng trở lại tìm hiểu và gìn giữ những nét đẹp của phong tục truyền thống. Vui hưởng không khí Tết bằng sự trân trọng như thế sẽ giúp cho giới trẻ định hình và phát huy được những ưu thế về bản sắc trong sự hiểu biết về quê hương, đất nước mình.

Bạn thảo Vi – lớp 22CĐTT1 – trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II chia sẻ nét đẹp nhớ ơn cội nguồn qua hoạt động tảo mộ: “Em thấy tảo mộ là một phong tục có từ lâu đời của người Việt, thường diễn ra từ 24 tháng Chạp đến 30 Tết. Vào dịp cuối năm nhà nhà ai nấy cùng tất bật lau chùi, quét dọn, sửa soạn lại nơi thờ cúng để đón gia tiên về nhà ăn Tết cổ truyền cùng con cháu. Thông thường việc tiến hành tảo mộ (chạp mộ) sẽ là làm sạch cỏ, quét dọn, sơn phết lại mộ phần rồi đến thắp hương, đốt nến, mời rượu, cúng bánh, đốt vàng mã và khấn vái. Tảo mộ còn là dịp để gia đình cùng nhau ôn lại kỷ niệm về người quá cố. Buổi tảo mộ luôn ngập tràn không khí ấm cúng, đoàn kết vì đây là dịp hiếm hoi mà con cháu được quây quần, gặp gỡ nhau và cùng nhau làm những việc ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính. Tảo mộ còn mang ý nghĩa về lòng nhớ ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông", là truyền thống trọng đạo hiếu, nhớ ơn đấng sinh thành của người Việt ta”

Về tục lệ đi viếng chùa đầu năm, bạn Phượng Ngân – lớp 21CĐTT – Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II bộc bạch: “ Quê em ở Tiền Giang – một tỉnh miền Tây cận kề Sài Gòn, nơi vẫn có tục lệ đi viếng chùa vào những ngày đầu xuân. Theo những người dân quê em đi chùa để tâm hồn mỗi người cảm thấy thư thái, cầu an, cầu được phúc lộc, tiền tài và xin lộc nhà chùa lấy may đầu năm.

 Viếng chùa đầu năm, một phong tục đẹp được lưu truyền từ rất lâu

Chuẩn bị những món ăn ngày Tết cũng được nhiều bạn trẻ chú ý, nhất là khi đã lớn cảm nhận được sự chăm chút, yêu thương gửi vào từng đĩa thức ăn của bà của mẹ. Bạn Minh Hằng – lớp 22CĐBC tâm sự: “Lại nói về việc chuẩn bị cho Tết. Một tháng trước, mẹ tôi bắt đầu mua vài kí củ kiệu về làm, và mang biếu họ hàng. Bạn bè tôi ít ai biết ăn củ kiệu, dù tôi cảm nhận nó ngon quá chừng. Mua kiệu cận Tết thì mắc (xấp xỉ 200k/kí), công đoạn làm vất vả không kém nhưng không có kiệu, ăn Tết không ngon nữa. Người ta hay gọi chân ái ngày Tết bằng cụm từ khá “chuẩn”: Bánh chưng – củ kiệu, có gu khác thì: “Bánh chưng – lạp xưởng”. Dù được gán ghép cặp đôi với nhau, nhưng vẫn không thể mất đi hương vị truyền thống đó. Giáp Tết hai, ba ngày là có không khí vui vui, đầm ấm rồi. Tôi con nghĩ, chúng ta vốn dĩ cảm nhận được  không khí ấy từ đôi môi nhiều người hỏi han rồi truyền tai nhau những câu chuyện về ngày Tết. Chỉ tiếc rằng Tết năm nay mới khởi sắc lại sau hai năm dịch, nên công việc nói chung của mọi người chưa ổn định hoàn toàn. Nhiều công nhân còn thất nghiệp phải khăn gói về quê trong cảnh không có tiền, nhiều cặp vợ chồng không thể cùng nhau đi làm được nữa... đó là tin tức không vui khi tôi nghe thấy”

Sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II tham gia Hội chợ Sắc xuân 2023 để hiểu hơn về phòng tục ngày Tết

Hy vọng việc hiểu và cảm nhận được nét đẹp truyền thống của những phong tục Tết sẽ là hành trang văn hóa cần thiết để các bạn trưởng thành và duyên dáng hơn!